In Nữ dịch giả Việt Nam được Mạc Ngôn cảm ơn là ai? (Báo Pháp luật xã hội ngày 21/10/2012)

Đăng ngày: 23-10-2012   Lần xem: 882

(PL&XH) - Là một nhà văn, nhà báo… nhưng Lệ Chi may mắn được trời phú cho một nhan sắc luôn ánh lên vẻ thông minh, sắc sảo. Bởi vậy nên nhiều bạn bè vẫn trêu đùa chị là người đàn bà đẹp… viết văn.

Đó chính là Nguyễn Lệ Chi – nhà văn, nhà báo và là bà chủ của thương hiệu sách Chibooks nổi tiếng. Văn hào Mạc Ngôn đã từng nhắc đến chị rất trìu mến bởi vì “Nhờ Nguyễn Lệ Chi, tôi thêm quan tâm hơn tới độc giả Việt Nam và cảm thấy có trách nhiệm hơn nữa với họ. Cám ơn độc giả Việt Nam đã yêu thích tác phẩm của tôi”.



Mỹ nhân của giới dịch giả: Nguyễn Lệ Chi

Nguyễn Lệ Chi, sinh ngày 15-11-1976. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ Hà Nội và Học viện Quan hệ Quốc tế. Sau đó chị tự tìm học bổng và theo học Thạc sĩ Điện ảnh tại Học viện Điện ảnh Bắc Kinh (Trung Quốc). Từ năm 2004, chị chuyển hẳn vào sống tại TP HCM và hiện đang là Biên tập viên báo Thanh niên. Cuối năm 2008, sau một thời gian dài làm việc trong lĩnh vực xuất bản và báo chí, chị hình thành ý tưởng thành lập Cty sách và Chibooks được ra đời. Chibooks đã xuất bản hơn 40 tác phẩm dịch, chủ yếu là tiểu thuyết của Anh, Mỹ: Marley và tôi, Không phải tình hờ, Giết người đưa thư, Rừng son, Hỡi người tình, Rắc rối với ngày Valentine, Vương phải tình em, Nói dối và hẹn hò trực tuyến, Ếch, Kẻ cắp tia chớp, Biển quái vật, Lời nguyền của thần Titan, Cuộc chiến chốn mê cung, Hồ sơ á thần, Câu hỏi tình yêu, Không gì ngoài rắc rối, Sao mãi còn độc thân, Giã biệt tình xa, Hẳn là yêu, Bí mật của Jane… Làm nên thành công của Chibooks, chính là nhờ chị đã tạo ra một sản phẩm riêng biệt, để khi nói tới những tác phẩm văn học lãng mạn dành cho phụ nữ là nói tới Chibooks. Ngoài việc gắn bó với công việc làm báo, Nguyễn Lệ Chi còn được biết đến là một dịch giả có tiếng, chị cũng từng xuất bản nhiều cuốn sách của riêng mình.

Là một nhà văn, nhà báo… nhưng Lệ Chi may mắn được trời phú cho một nhan sắc luôn ánh lên vẻ thông minh, sắc sảo. Bởi vậy nên nhiều bạn bè vẫn trêu đùa chị là người đàn bà đẹp… viết văn. Đam mê dịch thuật, mê viết lách cùng với bản lĩnh của một người phụ nữ kinh doanh, tất cả đã hun đúc nên hình ảnh một người phụ nữ năng động, cá tính nhưng cũng không kém phần nữ tính, quyến rũ.  Bằng mối quan hệ cá nhân và kinh nghiệm của bản thân, chị đã giới thiệu đến độc giả Việt Nam hàng loạt tên tuổi của văn đàn Trung Quốc như: Mạc Ngôn, Lưu Chấn Vân, Vệ Tuệ, An Ni Bảo Bối… trong đó đặc biệt là nhà văn vừa vinh dự nhận được giải thưởng Nobel văn học: Mạc Ngôn.

Có thể nói, Lệ Chi là một nữ dịch giả may mắn khi chị đã từng có thời gian làm việc, trò chuyện với Mạc Ngôn cũng như việc Cty sách của chị nhận được sự đồng ý hợp tác của Mạc Ngôn trong việc biên dịch & xuất bản sách của Mạc Ngôn tại Việt Nam. Ngay khi nhận được tin vui từ nhà văn tiền bối, chị đã lập tức gửi lời chúc mừng tới Mạc Ngôn. Cũng thông qua Lệ Chi, tác giả "Cao lương đỏ" cho biết , ông vẫn sẽ tiếp tục gửi gắm các tác phẩm sắp tới của mình qua Chibooks để đến với độc giả Việt Nam. Lệ Chi chia sẻ những cảm nhận của mình về văn hào Mạc Ngôn: "Tôi đã đọc nhiều tác phẩm của Mạc Ngôn từ trước khi tôi chính thức làm xuất bản. Tôi rất yêu thích tác phẩm của ông bởi những câu chuyện dữ dội về những người dân rất đỗi bình dị trong đời sống.

Từng nhân vật của ông đều rất sống động và có sức hút lạ lùng. Mỗi truyện đều thật bất ngờ với cách kết cấu và nội dung chuyển tải khác nhau dù trên cùng một phông nền là con người và vùng đất Cao Mật-quê hương của tác giả. Những tác phẩm của ông đều gây cho tôi những ám ảnh kéo dài về thân phận của một kiếp người trong một quãng dài lịch sử. Tôi cũng thật may mắn khi tìm ra được địa chỉ liên hệ với nhà văn và thuyết phục được ông cho tôi mua bản quyền tác phẩm.

Quá trình làm việc với ông thật thuận lợi. Sau khi nhất trí những dự thảo trong hợp đồng mua bản quyền, tôi đã bay sang Bắc Kinh tìm gặp ông. Trái với suy nghĩ ban đầu của tôi, Mạc Ngôn là một người rất bình dị và dễ gần, dù rất nổi tiếng. Ông vui vẻ tới tận khách sạn trò chuyện với tôi, tán đủ chuyện trên trời dưới bể, từ chuyện văn học tới chuyện gia đình, thú vui… Tôi thường sưu tầm những bài báo đã đăng tải về ông ở Việt Nam và gửi chúng cho ông làm kỷ niệm, dẫu ông không đọc được tiếng Việt.

Tôi cũng giúp ông sưu tầm tất cả các ấn bản tiếng Việt về các tác phẩm của ông đã xuất bản ở Việt Nam mà ông chưa có. Vì hơn ai hết, tôi hiểu rõ được niềm vui hân hoan của tác giả khi đứa con tinh thần của mình được ra đời, dẫu “sinh hạ” nơi đất khách quê người. Tôi vẫn thường dõi theo quá trình sáng tác của ông thông qua email và tin tức trên Internet. Tôi biết Mạc Ngôn thường dành một quá trình rất dài, ít nhất 3-4 năm để nung nấu đề tài và tập hợp tư liệu đang ấp ủ. Với ông, quá trình thai nghén đó thực sự là sống cùng đứa con đang thành hình, đầy mệt mỏi nhưng cũng lắm điều thú vị.



Chân dung nữ dịch giả Việt trong mắt nhà văn đoạt giải Nobel

“Tôi thật sự bất ngờ khi nhận được một cú điện thoại của một cô gái Việt Nam, để hỏi mua bản quyền tác phẩm của tôi. Đó chính là Nguyễn Lệ Chi. Trước đây, tôi từng nghe bạn bè của tôi ở Việt Nam có khoe rằng rất nhiều tiểu thuyết của tôi được dịch ra tiếng Việt và phát hành tại Việt Nam. Nhưng chưa hề có NXB hoặc đơn vị xuất bản nào của Việt Nam từng liên lạc với tôi để xin mua bản quyền, thậm chí cũng không gửi sách biếu tặng tôi. Tôi từng được cộng tác với Lệ Chi với nhiều cương vị khác nhau: nhà văn với đơn vị xuất bản (lúc cô làm Phó giám đốc xuất bản cho Cty Văn hóa Phương Nam và Giám đốc Cty sách Chibooks, hỏi mua bản quyền các tác phẩm của tôi); lúc lại là phóng viên-người được phỏng vấn (khi cô ở tư cách phóng viên báo Thanh Niên để đưa ra những câu hỏi phỏng vấn sắc sảo). Chúng tôi làm việc qua email, qua điện thoại, rồi gặp mặt trực tiếp khi cô đến Bắc Kinh. Tôi cũng từng xin phép cô in lại bài phỏng vấn của cô vào tập sách Nói đi Mạc Ngôn – Tuyển tập các cuộc đối thoại (NXB Hải Thiên, 2007). Làm việc với Lệ Chi rất thú vị, cô rất cẩn thận và rất có trách nhiệm trong công việc kể cả trước và sau khi hoàn tất công việc. Mỗi dịp lễ Tết, tôi lại nhận được điện thoại, email chúc Tết, thăm hỏi của cô. Mỗi lần tới Trung Quốc, dẫu không tới Bắc Kinh, cô cũng điện thoại hỏi thăm. Những việc làm đó tuy rất nhỏ nhưng thật ấm áp.

Tôi thực lòng cảm ơn Nguyễn Lệ Chi vì cô đã giúp cho các tác phẩm của tôi được giới thiệu một cách “có danh có phận”, đường hoàng và chính thống ở nước cô, chứ không còn phải “dịch chui dịch lủi” và “xuất bản lậu” như trước kia nữa. Nhờ Nguyễn Lệ Chi, tôi thêm quan tâm hơn tới độc giả Việt Nam và cảm thấy có trách nhiệm hơn nữa với họ. Cảm ơn độc giả Việt Nam đã yêu thích tác phẩm của tôi.”  - trích những chia sẻ của nhà văn Mạc Ngôn dành cho nữ dịch giả Nguyễn Lệ Chi.

Nhà văn Mạc Ngôn

Tên thật là Quản Mạc Nghiệp
Sinh năm 1955 tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Bỏ dở tiểu học giữa chừng do Cách mạng văn hóa, phải tham gia lao động nhiều năm ở nông thôn, luôn bị đói khát và cô đơn.
Nhập ngũ năm 1976. Tốt nghiệp khoa Văn Học viện nghệ thuật Giải phóng quân (1984-1986). Từ tháng 10-1987, hoạt động trong lĩnh vực báo chí và viết văn chuyên nghiệp.
Đã xuất bản 11 tiểu thuyết, 20 truyện dài, hơn 60 truyện ngắn và 5 tuyển tập những bài ký, phóng sự, tùy bút…, tổng cộng trên 200 tác phẩm. Hầu hết các tác phẩm của ông đều được dịch ra nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Nga, Hàn, Hà Lan, Thụy Điển, Ba Lan, Việt Nam…, đều có sức ảnh hưởng lớn trong và ngoài nước.
Các tác phẩm đã xuất bản ở Việt Nam: Ếch, Báu vật của đời, Đàn hương hình, Cây tỏi nổi giận, Cao lương đỏ, Rừng xanh lá đỏ, Tửu quốc, Tứ thập nhất pháo, Thập tam bộ, Sống đọa thác đày, Châu chấu đỏ, Hoan lạc, Người tỉnh nói chuyện mộng du, Con đường nước mắt, Bạch miên hoa, Trâu thiến, Tạp văn Mạc Ngôn, Mạc Ngôn và những lời tự bạch…

Trang Anh

phapluatxahoi.vn/20121021084359944p1004c1032/nu-dich-gia-viet-nam-duoc-mac-ngon-cam-on-la-ai.htm

Bởi: SALESCHIBOOKS 1